ĐẾN BÁC SĨ CŨNG TRỊ BỆNH BẰNG ” KINH ĐỊA TẠNG”
Blog utchcmc.org xin trích bài viết của Hành Ngọc- trích sách “Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ – Tát Địa Tạng” ra đây để quý bạn đọc cùng nghiên cứu thêm về Phật pháp, chúng tôi rất mong nhận được và được chia sẻ nhiều bài viết hay và có ý nghĩa đến bạn đọc quan tâm.
Tôi là bác sĩ trực trong trại giam, ngày mồng 08/09, 7 giờ tối hôm đó trời bỗng nổi gió, những hạt mưa li ti bắt đầu rơi, công an dẫn đến một nữ phạm nhân, mang số 15, Trương Bích Vân, 26 tuổi, sau lưng cõng một đứa con nhỏ, da vàng như nghệ, lâu lâu co giật một lần, mỗi lần co giật như thế trông em rất đáng thương. Tôi không biết em bị bệnh gì, cho rằng bị kinh phong nên co giật, như thế nguy hiểm quá, tôi nhấc máy gọi điện cho trưởng khoa vệ sinh kể lại tình hình. Trưởng khoa nói:
– Đứa bé này bị bại liệt, không có cách chữa trị, nếu không bị sốt thì không sao.
– Thưa trưởng khoa! Đứa bé này rên la liên tục rất đáng thương, có thuốc gì cho uống hoặc chích giúp em hết co giật không?
– Không có cách nào trị khỏi. – Trưởng khoa lạnh nhạt trả lời.
Tôi quay sang hỏi cô Trương:
– Nhà em ở đâu? Phạm tội gì? Nhà còn ai không?
– Em ở làng Vụ Phong huyện Đài Trung, thấy cha già thương quá nên nấu ít rượu để ngâm thuốc cho cha uống, không ngờ bị người ta âm thầm hãm hại, tòa phạt em 3 tháng tù giam, con của em đã 3 tuổi, vừa chào đời có mấy ngày thì bị bệnh này, chạy chữa khắp nơi, tốn rất nhiều tiền nhưng vẫn không thấy khởi sắc, còn chồng em đi lính xa.
– Có duyên với Phật, yên tâm đi. – Tôi mỉm cười an ủi.
Tôi ghi tên tuổi của em bé vào giấy (Cao Tú Nguyệt 3 tuổi), rồi để lên bàn thờ Phật. Nửa đêm nghe tiếng em khóc, tôi liền rọi đèn đi thăm, tới nơi thấy cô Trương đang ôm con ngồi khóc, thấy vậy tất cả phạm nhân ở mấy phòng kế bên cũng đều ngồi dậy nhất tâm trì niệm thánh hiệu Phật.
Tôi nghĩ em bé bị bại liệt không thể chữa trị bằng thuốc thông thường, nên dặn mọi người vừa niệm vừa hồi hướng cầu chư Phật, Bồ- tát cho em. Mấy ngày sau, ngày nào cũng như thế. Hai phạm nhân mang số 07 và 11 giam chung phòng với cô Trương (số 15), hai cô nói với tôi:
– Sư phụ (cả trại giam đều gọi tôi bằng sư phụ)! Đứa bé này đáng thương quá đi, mỗi đêm co giật ba bốn lần, mỗi lần kéo dài hơn 3 phút, mọi người không thể ngủ, ngồi dậy niệm Phật cho em.
Tôi nói với mọi người:
– Các chị nghĩ xem một đứa bé ba tuổi, phạm tội gì mà vừa chào đời trúng phải chứng bệnh quái ác này? Đã không thể tự do đi lại, lại còn bị co giật, giống như thọ hình trong địa ngục, điều ấy chẳng phải cho chúng ta thấy đời trước em gây tạo nhiều nghiệp xấu ác đó sao? Nhân quả bày ra trước mắt, chớ nên vì tham chút phú quí mà tạo nghiệp, phải bị đọa vào địa ngục Vô gián không có ngày ra khỏi. Em là tấm gương để mọi người cảnh giác, hãy tin theo những gì Đức Phật dạy, tinh tấn niệm Phật cầu thoát li sinh tử!
Bữa nọ, khoảng 9 giờ tối, em bé lại lên cơn đến nỗi khóc không ra tiếng, mắt trắng chạch đến mười mấy phút, giống như sắp tắt thở đến nơi, cô Trương mẹ em khóc quá chừng, tôi liền gọi trưởng khoa vệ sinh và người trực ca hôm đó, tất cả có ba người, xem xong nói:
– Không còn thuốc chữa.
Nói xong đi về, tôi ở lại niệm Phật. Tôi phá lệ dẫn cô ra khỏi phòng giam đến trước bàn thờ Phật cùng ngồi trì niệm thánh hiệu Bồ-tát Địa Tạng khoảng hơn 10 phút, thật kì diệu, đêm đó em bé ngủ rất ngon.
Mỗi lần nghe tiếng em khóc, lòng tôi đau buốt, nghĩ bụng sẽ thay em cầu xin chư Phật, Bồ-tát, song không khỏi hoài nghi, sợ năng lượng niệm Phật của mình không đủ lực giúp em giảm bớt đau đớn, lại làm cho mọi người có phản ứng không tốt. Suy đi nghĩ lại mấy lần, cuối cùng không thể chịu được nữa, lấy hết dũng khí tôi quyết định chắp tay cung kính niệm lớn thánh hiệu “Nam mô Địa Tạng Vương Bồ-tát!”. Ba phút sau, em bé hết khóc. Tôi chắp tay phát nguyện tụng 3 bộ kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, hồi hướng công đức, nguyện nghiệp chướng của em được tiêu trừ, mỗi lần tụng kinh là mỗi lần tôi rơi lệ.
Lần nọ, đang rửa tay trong hồ nước thấy cô Trương giặt đồ, tôi hỏi:
– Con của em có đỡ hơn tí nào không?
– Đỡ nhiều rồi sư phụ ạ! – Cô mỉm cười trả lời. Tôi vẫn chưa tin, lại hỏi:
– Sao biết cháu đỡ nhiều?
– Không còn co giật nhiều như trước, cả ngày chỉ còn một hai lần. Buổi tối ngủ rất ngon, thời gian co giật cũng không còn dài. Trước kia mỗi đêm co giật đến ba bốn lần, còn ban ngày đến năm sáu lần; khi co giật phải giữ chặt đầu lại, toàn thân rung lên, ngay cả trời lạnh vẫn toát mồ hôi, hiện tượng thuyên giảm này suốt ba năm nay không thấy.
Tôi nghe xong thấy cũng kì quá, chưa tụng hết kinh, không lẽ cảm ứng nhanh vậy sao. Vừa về đến nhà, không quan tâm cơm tối, tôi đốt hương đèn, kiền thành cung kính, cảm tạ oai thần lực không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa Tạng, cứu thoát những chúng sinh trôi lăn trong biển khổ. Tôi thấy mình không có gì đáng giá để báo đáp, chỉ biết phát nguyện vào ngày thập trai đều tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện.
Để thể hiện lòng cung kính, tôi đứng luôn hơn 90 phút để tụng hết một quyển. Lúc tụng kinh lại nghe tiếng em bé khóc, tôi bảo cô Trương ẵm em đến trước bàn Phật, tôi chắp tay cung kính trì niệm thánh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, đơn giản chỉ ngưỡng nguyện Bồ-tát từ bi gia hộ cho em. Không kìm nén được cảm xúc, tôi đã bật khóc, cô Trương mẹ em cũng khóc theo. Trong tiếng khóc tôi vẫn cầu “Bồ-tát Địa Tạng xin Ngài gia hộ cho đứa bé này lìa xa khổ cảnh”. Chưa đầy hai phút sau, em không còn khóc nữa.
Từ đó, mỗi lần nghe em khóc, tôi liền khởi tâm sám hối, hận nỗi mình tu hành không ra gì, xấu hổ rơi lệ, mong mãi mãi không nghe tiếng khóc đau khổ phát ra từ em bé. Có lẽ do tác dụng tâm lí! Nhiều lúc em không khóc mà tôi cứ ngỡ em khóc, hoảng hốt chạy đến xem thử, thấy mẹ em đang đùa cười với em! Em bé càng ngày càng khỏe mập, hơn ai hết cô Trương vui quá. Tôi chỉ mới tụng xong 6 bộ, đã không còn nghe em khóc nữa. Vẫn chưa an tâm, mỗi lần đi làm, vừa bước tới cửa tôi đã hỏi lớn:
– Con của cô Trương đã đỡ chưa?- Mọi người đồng thanh:
– Công đức của sư phụ thật lớn! Đứa bé bệnh nặng như thế, ấy mà nhờ sư phụ tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, nay khỏe hơn trước rất nhiều; con bé xinh ra, có thể hoạt động được rồi, cô Trương vào đây thấy vui hơn lúc còn ở nhà, lúc nào cũng cười nói vui vẻ.
Cô Trương đứng bên cạnh, cung kính thưa hỏi tôi:
– Thưa sư phụ! Bồ-tát Địa Tạng vốn cai quản địa ngục, vậy sao Ngài có thể gia hộ cho chúng con nữa?
– Thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng là: “Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ-đề, địa ngục bất không thệ bất thành Phật”. (Độ hết chúng sinh mới chứng Bồ-đề, địa ngục chưa không thề không thành Phật.) Ngài không chỉ thường ở trong địa ngục, trang nghiêm nơi ấy, cứu độ chúng sinh đang thọ khổ, Ngài đồng thời cũng cứu hết thảy chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi. Phẩm Xưng Danh Hiệu Phật của kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện ghi:
“Đức Phật nói với Bồ-tát Địa Tạng, nay thầy muốn khởi lòng từ bi cứu vớt hết thảy chúng sinh trong sáu đường mà diễn nói việc không thể nghĩ bàn này”. Qua đây thấy được, Bồ- tát Địa Tạng nhận lời phó chúc của đức Như Lai, cứu độ tất cả chúng sinh trong sáu đường, cùng vô hạn chúng sinh trong địa ngục. Chỉ cần mọi người thành tâm trì niệm thánh hiệu của Ngài, ắt sẽ không nơi nào Ngài không hiện thân cứu độ. Phẩm Chúc Lũy Nhân Thiên kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, đức Như Lai dạy: “Này Địa Tạng! Tâm tính của chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề không định, phần nhiều đều quen theo thói xấu ác, thỉnh thoảng có người phát tâm lành, song không bao lâu liền thối thất, còn duyên xấu ác lại luôn luôn tăng trưởng. Cũng vì lẽ đó, cho nên Như Lai phải chia thân này ra thành trăm ngàn ức để hóa độ, thuận theo căn tính của họ, hầu giúp chúng được lợi ích…”
Điều này chứng minh hoằng nguyện từ bi cứu độ chúng sinh của Bồ-tát Địa Tạng, Ngài có thần thông vô tận không thể nghĩ bàn, không thể nói hết.
Nghe xong có lẽ mọi người bảo sao giống chuyện thần thoại! Nhưng tôi dám đem mạng sống mình ra khẳng định đây là sự thật, còn nếu không tin nữa, có thể đến hỏi những vị làm giám ngục chung với tôi. Lại có người hoài nghi: “Tin Phật, khi bị bệnh có cần mời bác sĩ hoặc đến bệnh viện không?”
Tôi cũng có thể thành tâm nói cùng mọi người: “Người tin Phật công phu sâu, cũng chẳng cần mời bác sĩ hoặc đi bệnh viện đâu, bởi niềm tin sâu sẽ cảm ứng đạo giao, có cảm tất có ứng. Khổ hay vui đều do nghiệp báo chiêu cảm, cho nên nếu có khả năng một lòng với đạo, hóa độ chúng sinh cũng giống như chuyện y phục, bộ này rách thay bộ khác, rách bộ nào thay bộ đó. Tóm lại, chúng ta học Phật cần phải thành tâm khẩn thiết, thường xuyên sám hối, niệm Phật mới có thể cảm ứng với chư Phật, Bồ-tát. Nếu không có được cảm ứng, ấy là do mình chưa khẩn thiết sám hối, hoặc khởi lòng tham mong cầu, cũng có thể do đời trước mình gây tạo quá nhiều nghiệp xấu ác. Có thể kiền thành chí tâm đảnh lễ Bồ-tát, thì việc lớn chuyển thành việc nhỏ, việc nhỏ hóa thành không. Ai đã phát tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu, điều trước nhất cần phải thể hội thấu triệt nhân quả ba đời, tranh thủ khi thân thể còn khỏe mạnh, tinh thần còn sáng suốt, hãy gấp rút tinh tấn niệm Phật; phải giống như chư Đại đức bế quan tu hành, tâm không rời Phật, Phật không lìa tâm, đồng thời phát nguyện vãng sinh về thế giới Tây phương Cực lạc, mới là nơi về an lạc vĩnh viễn.”
Theo Hành Ngọc- trích sách “Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ – Tát Địa Tạng”
Xem thêm>>
Vì Sao Pháp Niệm Phật Thù Thắng Hơn Các Pháp Khác