CÂU CHUYỆN DIỆU KỲ VỀ CHÚ ĐẠI BI VÀ CHÚ DƯỢC SƯ GIÚP VƯỢT QUA BỆNH TẬT(BỆNH UNG THƯ MÁU)
Chuyến Hành trình đến với Tứ Động Tâm – Đất Phật Ấn Độ lần thứ 4, bên cạnh những cảm xúc bồi hồi gắn với từng nơi chốn thiêng liêng, ấn tượng sâu sắc còn nằm ở những câu chuyện từ những nhân vật là khách tham gia chuyến đi này.
Vị sư cô trẻ trong hình đây bảo rằng với cô, được một lần tìm về Quê Cha – quê hương của Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni của cô là một điều cô chưa bao giờ dám mong ước, đơn giản vì nó luôn nằm ngoài khả năng của cô. Nhưng nhờ tấm lòng của một vị mạnh thường quân, cùng đi với cô trong tour, rốt cục cô đã đến được Đất Phật. Trong những ngày dọc dài đường gió bụi của hành trình, chúng mình thường hay có những phần chia sẻ cùng nhau. Và nhờ vị mạnh thường quân kiên trì thuyết phục, cô đã rụt rè lên chia sẻ câu chuyện đời mình, và chúng mình đã thật bất ngờ khi biết rằng, người ni này đã từng kiên cường chống chọi căn bệnh hiểm nghèo: ung thư máu!
Sư cô kể, từ nhỏ cô đã sống cùng bà ngoại trong một hoàn cảnh đạm bạc ở một vùng quê. Năm cô vừa đậu vào đại học, nhập học được ba tháng thì bác sĩ chẩn đoán: cô bị ung thư máu giai đoạn cuối, chỉ được sống thêm khoảng 2 tháng nữa mà thôi. Mà tiền thì nhà nghèo quá cũng không có để mà điều trị nữa. Thế là mỗi ngày cô cứ tìm ra ngồi gốc cây vú sữa ở nhà quê mình và nhìn lên trời, tự hỏi “Vì sao mình phải chết? Mình còn ước mơ nhiều lắm mà!” Cô thấy cô cần phải sống, ít nhất để còn báo hiếu cho bà ngoại, người một mình nuôi cô lớn khôn.
Đó là vào khoảng Trung thu cách đây 17 năm. “Nhà con nghèo lắm, từ nhỏ đến lớn nào có biết ăn Trung thu là gì, thậm chí tới bây giờ còn không biết ăn bánh trung thu là gì nữa. Thế nhưng đêm đó, con cảm nhận được ánh trăng trung thu thực sự đẹp lắm. Hồi nào giờ nghe sách vở tả “Trăng sáng vằng vặc”, thì đêm đó con biết cái ‘vằng vặc’ là cái gì!” Và trong cái vằng vặc của ánh trăng đêm rằm trung thu năm ấy, cô nhớ tới ông Bụt trong những chuyện cổ tích mà cô nghe kể. Thế là, cô bèn quỳ xuống, hướng ánh trăng và khấn: “Lạy Bụt, nếu Bụt thấy con sống mà còn có ích gì được cho xã hội, xin Bụt cho con được sống!”
Những ngày tháng tuyệt vọng đó, cô gái trẻ không còn nói chuyện với ai, kể cả người thân nhất là bà ngoại. Một ngày, cô nói “Ngoại ơi con không ăn mặn nữa, con chuyển qua ăn chay. Ngoại cho con ít tiền để con đi mua bông (hoa) cúng Phật”. Điều này làm ngoại cô ngạc nhiên, vì nào giờ cô nào có biết đi chùa là gì đâu. Mua chục hoa huệ trắng, cô đạp xe đến một ngôi tịnh xá ở khu cô ở, gặp một vị sư cô luống tuổi hiền từ, cô bèn đưa bó hoa huệ cho sư cô cúng Phật dùm cô. Vị sư cô già bèn hỏi, “Bé có muốn lên viếng Phật không?” Cô dạ, bèn đi theo vị sư cô kia lên chánh điện. Đó cũng là lần đầu tiên cô viếng Phật.
Cô bảo rằng, cho đến tận bây giờ, bất kỳ khi nào nhắm mắt lại và hồi tưởng lại khoảnh khắc ấy, cô vẫn nhớ như in gương mặt hiền từ của bức tượng Đức Phật Thích Ca trong chánh điện tịnh xá ấy ngay khi cửa chánh điện vừa được mở ra, và vầng sáng xanh diệu kỳ nào đó chiếu rọi vào tâm cô, khiến tâm cô như bừng sáng. Thế là ngay lập tức, cô liền quỳ xuống, lặp lại lời khấn mà cô đã dành cho Ông Bụt đêm trăng năm nào. “Phật ơi, nếu Phật thấy con sống mà còn có ích gì được cho xã hội, xin Phật cho con được sống!” Và hơn thế nữa, cô còn phát nguyện, nếu quả thật cô được sống tiếp, cô sẽ xuất gia. Vì trong cái đầu khá ngây thơ của cô gái 18 tuổi lúc đó, chỉ có các người tu thì mới có thể làm được những điều từ bi nhất.
Kể từ đó, mặc cho sức khỏe ngày càng cạn dần, mỗi ngày cô đều cố gắng đạp xe đến ngôi tịnh xá ấy. Cô lặng lẽ quét hết sân chùa, và không như những bạn gái đồng tuổi khác, cô cứ quét xong bèn cứ tìm lên ngồi yên ở một góc chánh điện. Một ngày, vị sư cô từng gặp cô ngày đầu tiên ấy bước lại, hỏi thăm cô ở đâu, làm gì mà mỗi ngày đều tìm đến chùa như vậy. Cô gái trẻ thành thật thú nhận về bệnh tình hiểm nghèo của mình. Vị sư cô khuyên, “Thôi thì cuộc đời này vô thường như vậy, con nên về trì Chú Đại Bi đi, và nếu con thật lòng tin thì khi nào con xả bỏ báo thân này, thì nó cũng nhẹ nhàng và đỡ đau đớn hơn.” Cô gái vâng lời sư cô, về nghiêm túc đọc theo.
Sau vài ngày, sư cô lại đưa tiếp cho cô cuốn Chú Dược Sư, và chú Như Ý Cát Tường. Cô lại tiếp tục ngoan ngoãn đọc theo, dù lúc ấy cô cũng chẳng hiểu chữ nào trong mỗi câu chú. Nói nôm na, những câu những chữ ấy một phần như những ‘cọng cỏ cứu mạng’ cuối cùng mà cô chỉ còn biết bám víu vào. Hơn nữa, những lúc đêm ngày miệt mài trì (đọc) hết chú này đến chú khác, lượt này sang lượt kia, cô dường như đã ‘quên’ luôn những cơn đau đớn dằn xé cơ thể bệnh tật của cô, mà sau này đi theo học Phật pháp cô mới biết đó là ‘quán’ – nghĩa là khi ta tập trung toàn bộ sự chú ý về một điều gì đó cao đẹp, ta sẽ không còn tâm trí mà để ý tới những cơn đau nữa, dù chúng vẫn còn đó.
Bác sĩ cho cô thời hạn sống cuối cùng là hai tháng, vậy mà… hai tháng sau, cô vẫn chưa chết! Rồi bốn tháng, rồi sáu tháng… Cho đến đúng rằm Trung Thu năm sau, cô xin ngoại quay lại Bệnh viện Huyết học TP.HCM để tái khám. Kết quả cho ra thật bất ngờ: từ “Ung thư máu giai đoạn cuối” vào năm ngoái, các chỉ số năm nay chỉ còn là “Thiếu máu di truyền”. Vị bác sĩ nhìn vào kết quả của hai năm và ngạc nhiên hỏi cô đã uống thuốc gì để bệnh thuyên giảm diệu kỳ như vậy, cô gái thưa với bác sĩ rằng “Dạ, con không có uống thuốc gì hết.”
Thú thiệt, bạn QH ngồi nghe mà… mắt chữ A mồm chữ O luôn! Bởi vì cả nhà còn nhớ, trong bài viết Sự kỳ diệu của nước cách đây hai năm, mình từng chia sẻ câu chuyện mình đã dùng Chú Đại Bi và Chú Dược Sư niệm vào trong những chai nước lọc giúp chuyển tải năng lượng trợ giúp cho em Vũ team mình, giúp em vượt qua trọng bệnh? Những tưởng đó chỉ là một điều kỳ diệu có thật xảy đến thật hy hữu cho cậu em của mình, và mình cứ chia sẻ tiếp đến mọi người như vậy để mang lại thêm chút niềm tin trợ duyên cho những ai đang trong nỗi tuyệt vọng của tật bệnh nan y. Thế mà thật không ngờ, hôm ấy, ngay tại trên một chuyến xe của hành trình rong ruổi trên đất Phật, mình lại được tiếp tục nghe một câu chuyện thật ‘trực quan sinh động’, với một bằng chứng sống sờ sờ và đầy tính truyền cảm hứng đến như vậy, về năng lực chữa lành thật diệu kỳ của Chú Đại Bi và Chú Dược Sư, lại từ chính một hành khách của chuyến đi! Cảm giác… thật khó tả!
Điều càng làm mình cảm thấy khó tả hơn, khi ngẫu nhiên, ở MayQ, chúng mình lại đang tổ chức Hành trình Đại cộng hưởng 13/10, mục đích cũng chính là tập cho mọi người trì Chú Đại Bi và Chú Dược Sư để trợ duyên cho những ai đang bị bệnh nan y và hiếm muộn. Một câu chuyện đầy tính ‘người thật việc thật’ như vầy, chẳng phải là một ví dụ thuyết phục nhất để mọi người có thêm động lực mà cố gắng hay sao!
Mình biết, với đại đa số những người bình thường – ý muốn nói chưa phải là Phật tử, và chưa trải qua những biến cố nghiêm trọng nào của cuộc đời, việc thuyết phục họ bắt đầu đọc các loại kinh hay chú hoàn toàn là… bất khả thi. Chính vì vậy, với hành trình tháng 10, tụi mình muốn bắt cầu cho họ từ ý nghĩa phát tâm giúp người khác, cụ thể, là họ sẽ có thể cùng đọc để giúp gửi năng lượng cho 1.000 người không quen biết khác, những người đang chịu cảnh bệnh tình hiểm nghèo hay hiếm muộn. Thế nhưng còn một mục đich sâu xa hơn nữa, là chúng mình mong muốn tập cho mọi người khái niệm đọc Chú Đại Bi và Chú Dược Sư một cách dài hơi và nhất tâm xuyên suốt: 21 biến (lượt) mỗi chú! Hơn nữa, để mọi người dễ ‘chịu’ tiếp cận các chú hơn, hôm đó tụi mình cũng sẽ xin phép trích ra những giải thích cốt yếu nhất của Chú Đại Bi qua lời giảng của Cố hòa thượng Tuyên Hóa, để mọi người hiểu hơn và yên tâm hơn nữa.
Lần đầu tiên trong các hành trình đại cộng hưởng, chúng ta sẽ chạm một lần đọc các chú dài hơi như vậy, và việc này cũng sẽ ít nhiều tập cho các thành viên tham gia hành trình này một ý thức tập đọc các chú thường xuyên hơn ở nhà, để trợ sức khỏe cho chính bản thân mình, hoặc để trợ năng lượng cho những người mình thương quý nhất, khi hữu sự. Vì nói thiệt, như vị sư cô lớn tuổi ở trên đã nói, cuộc đời này vốn vô thường như vậy, ai có thể dám tự tin đời mình sao này chẳng có lúc thế nào…?
Chưa kể, giờ đây, chúng ta càng cảm thấy vững tin hơn về giá trị của sự đại cộng hưởng, khi cùng nhau, chúng ta sẽ có thể gửi năng lượng mãnh liệt từ những hồi Chú Đại Bi và Chú Dược Sư mà chúng ta sẽ cùng nhau đọc hôm ấy, gửi gắm vào cả ngàn chiếc vòng trợ duyên cho 1.000 người bệnh nan y hay hiếm muộn nữa. Và hơn nữa, mỗi thành viên tham gia đều tự ‘trợ’ được cho chính chiếc vòng mình tự xỏ cho mình, bằng chính những sự miệt mài nhất tâm đọc các chú của mình, cùng hàng mấy trăm thành viên khác.
Thiệt tình, mình mới chỉ nghĩ đến đó, đã thấy lòng lâng lâng xúc động!
Cảm thấy, có cái gì đó…, thật vi tế, thật khéo léo được xếp đặt như bởi một bàn tay vô hình. Bạn cứ cố gắng làm đi, rồi từ từ, những ‘mảnh ghép’ bất ngờ nhất sẽ được lộ ra, để ghép tất cả lại với nhau, tạo thành một bức tranh sống động thuyết phục nhất!
Câu chuyện của vị sư cô trẻ này chưa dừng lại ở đây. Có một cái gì đó…, thật hữu duyên kỳ lạ, như thể chuyện đời cô vừa ráp khớp vô hai ý nghĩa lớn nhất của hai chuyến hành trình đại cộng hưởng của tụi mình tháng 10 và tháng 11 liên tiếp nhau như vậy. Bài đã dài quá rồi, nên mình xin hẹn nhà mình phần 2 của câu chuyện từ sư cô này vào bài kế tiếp nhen. Cô là sư cô Nhân Trúc, mái ấm Hương Từ Bi ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Từ đêm rằm Trung thu được nhận ‘bản án tử’ Ung thư máu giai đoạn cuối ấy, cô đã vẫn tiếp tục sống một cách bền bỉ, cho đến nay là vừa qua thêm được 17 năm nữa rồi đó!
Lê Đỗ Quỳnh Hương – PhatGiao.Org.Vn
Xem thêm>> Chữa bệnh ung thư bằng thuốc nam